Nhật kí Đặng Thuỳ TrâmTóm tắt nội dung: Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã xung phong vào công tác ở chiến trường B. Xa gia đình, xa Hà Nội thân yêu, Thùy Trâm bước vào chiến tuyến đầy khói lửa - nơi vùng đất miền Trung đầy nắng, gió với cuộc chiến đang diễn ra rất cam go và ác liệt.
Những trang nhật ký của người nữ bác sĩ ấy mang nặng những mối tình: tình yêu lứa đôi, tình yêu gia đình, tình yêu của người lương y đối với bệnh nhân đồng thời là những đồng đội...
Những ngày Thùy Trâm gắn bó với bệnh xá nơi chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi là những ngày cô chứng kiến và chia sẻ với biết bao số phận. Đó là những Đường, San, Hường, Luân, Thuận, Khiêm..., mà với Trâm, họ đã chiến đấu và "ngã xuống mà chưa hề hưởng được một ngày hạnh phúc". Chính thực tế ấy cùng những trăn trở, niềm tin và ước vọng đã giúp Trâm thêm vững bước để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
"Tuy cái chết không được miêu tả nhiều trong nhật ký, nhưng trong tâm trí Thùy Trâm, nó luôn luôn có mặt. Nó đứng thấp thoáng đằng sau các sự kiện, và cuộc đối diện với cái chết làm nên một phần nội dung cuộc sống, tức cũng là làm nên vẻ đẹp cao thượng của con người lúc đó mới 27 tuổi này".
Tuổi trẻ hôm nay đọc NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM cũng là để tôn vinh và giữ cho ngọn lửa Đặng Thùy Trâm cháy mãi - một công việc đáng trân trọng mà bấy lâu nay những người có lương tri ở chiến tuyến bên kia đã làm...
Lời Nhà xuất bản Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942, trong một gia đình trí thức. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược khoa Hà Nội.
Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.
Chị được kết nạp vào Đảng ngày 27 tháng 9 năm 1968.
Ngày 22 tháng 6 năm 1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng lúc mới chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề.
Hài cốt của chị được đồng bào địa phương an táng tại nơi chị ngã xuống và luôn hương khói. Sau giải phóng, chị được gia đình và đồng đội đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, gia đình đưa chị về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu hai cuốn nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ghi trong những ngày ở chiến trường. Bản thân hai cuốn nhật ký này cũng có một số phận kỳ lạ: chúng rơi vào tay những con người có lương tri ở bên kia chiến tuyến, được họ gìn giữ và tìm mọi cách để đưa về cho gia đình chị. Sau hơn một phần ba thế kỷ lưu lạc, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.2005), nó đã trở về với gia đình Liệt sĩ. Hiện cuốn nhật ký được lưu giữ tại Viện Lưu trữ về Việt Nam ở Lubbock, Texas, Mỹ.
Trong quá trình biên soạn và chỉnh lý, chúng tôi cố gắng tôn trọng nguyên bản câu văn cũng như những thói quen dùng từ và ngữ pháp của tác giả - chỉ sửa lại một số từ địa phương hoặc lược bớt những từ trùng lặp. Chúng tôi cũng chú giải một số điểm cần thiết để bạn đọc có thể hiểu hơn hoàn cảnh cũng như lịch sử và bản thân tác giả.
Ngoài ra, trong phần ảnh tư liệu, được phép của những người có liên quan, chúng tôi có sử dụng những bức ảnh trong album gia đình, ảnh chụp ở Quảng Ngãi trong những năm 1969 - 1970 do Frederic Whitehurst cung cấp và một số bức ảnh do Liệt sĩ Nguyễn Văn Giá - Phóng viên Hãng phim Thời sự - Tài liệu Việt Nam chụp tháng 10.1969 ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ - Quảng Ngãi trước khi anh hy sinh.
Các bạn có thể đọc sách này tại:http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3nvn3nmn31n343tq83a3q3m3237nvnCác bạn có thể nghe "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" trên VOVNews, qua giọng đọc truyền cảm, ấn tượng của Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Yến tại:http://www.ninhthuanpt.com.vn/DienDanDTT/Index.ASP